Tôi trở về nhà tối hôm đó với suy nghĩ rằng tất cả những gì mình đã làm là đưa ra và thúc đẩy một sự đồng thuận; con số 100 tỉ USD là do Larry đưa ra đầu tiên. Do đó tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy các phương tiện thông tin đại chúng thêu dệt về cuộc họp, với thông tin gần như cho rằng tôi là người chủ trì cuộc họp trên. Mặc dù rất vui khi thấy quốc hội và chính quyền lắng nghe ý kiến của mình nhưng tôi vẫn thấy những bài báo trên thật đáng ngại. Tôi chưa bao giờ vui vẻ thực sự khi được dựng lên là một nhân vật chỉ huy. Từ những ngày đầu tiên, tôi đã tự cho mình là một chuyên gia đằng sau hậu trường, một người thi hành các chỉ thị hơn là một lãnh đạo. Chính cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1987 đã đem lại cảm giác thoải mái khi đưa ra những quyết sách then chốt. Nhưng cho đến tận hôm nay, tôi không cảm thấy thoải mái ở vị trí nổi bật. Hướng ngoại ư, tôi không phải là người như vậy.

Tất nhiên, thật trớ trêu, mặc dù có sức thuyết phục nhất định, song trong những tuần sau vụ 11.9, mọi việckhông hề diễn ra như mong đợi của tôi. Tiên đoán về một vụ tấn công khủng bố thứ hai có lẽ là một trong những dự đoán bi quan nhất của tôi. Cũng vậy, “gói kích thích có mức độ” mà mọi người cho là tôi đã bật đèn xanh cũng không được thực hiện. Nó bị cuốn vào các vấn đề chính trị và rơi vào bế tắc. Gói kích thích sau này được thông qua tháng 3.2002 không những bị muộn vài tháng, mà còn không nhằm vào phúc lợi chung – đáng xấu hổ là nó chỉ gồm những kế hoạch chi tiêu hổ lốn của chính phủ.
Tuy nhiên, nền kinh tế đã dần tự điều chỉnh. Sau một tháng suy thoái nhẹ, sản lượng công nghiệp đã bắt đầu tăng trưởng vào tháng 11. Vào tháng 12, kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, đơn xin trợ cấp thất nghiệp lại giảm xuống và dao động ở mức trước sự kiện 11.9. Fed đã thể hiện vai trò trong quá trình trên, nhưng chỉ là việc tiếp tục những biện pháp đã được áp dụng trước 11.9: cắt giảm lãi suất để khuyến khích người dân vay tiền và chi tiêu.
Tôi không bận tâm với việc những mong đợi của mình đã không diễn ra trên thực tế, bởi phản ứng tuyệt vời của nền kinh tế sau sự kiện 11.9 đã cho thấy một sự thật vô cùng quan trọng: nền kinh tế Mỹ thực sự có tính tự phục hồi cao. Những gì tôi phát biểu một cách lạc quan tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đã trở thành sự thật. Sau những tuần lễ tồi tệ, các gia đình và doanh nghiệp Mỹ đã phục hồi. Tôi tự hỏi: Điều gì đã tạo ra mức độ linh hoạt chưa từng có như vậy trong nền kinh tế?
Các nhà kinh tế đã cố gắng trả lời các câu hỏi tương tự như vậy kể từ thời Adam Smith. Có thể nói hiện nay chúng ta đã quá bận rộn với việc tìm hiểu thấu đáo nền kinh tế toàn cầu hóa của chúng ta. Còn Smith thì đã phải sáng tạo ra kinh tế học gần như từ đầu để tìm hiểu sự phát triển của các nền kinh tế thị trường phức tạp của thế kỷ 18. Tôi không phải là Adam Smith nhưng cũng có tính tò mò như ông trong việc tìm hiểu các nhân tố lớn trong thời đại của chúng ta.
Cuốn sách này có phần giống một câu chuyện trinh thám. Sau sự kiện 11.9, mặc dù có thể cần thêm bằng chứng, nhưng tôi biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mới – thế giới của nền kinh tế tư bản toàn cầu có tính linh hoạt, mau phục hồi, mở cửa và tự điều chỉnh với mức độ lớn hơn nhiều, một thế giới thay đổi nhanh hơn so với thậm chí chỉ một phần tư thế kỷ trước đây. Đó là thế giới mang lại những khả năng mới phi thường, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Cuốn sách Kỷ Nguyên Hỗn Loạn là nỗ lực của tôi trong việc tìm hiểu bản chất của thế giới này: chúng ta đến thế giới này như thế nào, vượt qua các thách thức ra sao và điều gì đang chờ đợi ở phía chân trời kia, cả tốt và xấu. Ở những chỗ có thể, bằng kinh nghiệm của mình, tôi sẽ đưa ra cách hiểu của mình về thế giới đó.
Tôi viết cuốn sách này với trách nhiệm ghi lại lịch sử, do đó độc giả sẽ biết mục đích của tôi. Theo đó, cuốn sách này được chia làm hai phần: phần thứ nhất là nỗ lực của tôi trong việc kể lại con đường học tập của mình; phần thứ hai có tính mục tiêu hơn, đó là xây dựng một nền tảng, từ đó tạo ra một khung khái niệm để hiểu về nền kinh tế toàn cầu mới.
Trong quá trình đó, tôi khảo sát các cấu thành quan trọng của môi trường toàn cầu đang nổi lên: những nguyên tắc chi phối thế giới phát sinh từ Kỷ nguyên ánh sáng thế kỷ 18; cơ sở hạ tầng năng lượng rộng lớn giúp thế giới hoạt động; sự mất cân đối tài chính toàn cầu và sự thay đổi đầy kịch tính của dân số thế giới đe dọa sự sinh tồn của loài người; và, mặc dù sự thành công của thế giới là không thể phủ định, vẫn còn đó sự lo ngại thường trực về tính công bằng trong quá trình phân phối phúc lợi. Cuối cùng, tôi tập hợp lại những dự đoán hợp lý nhất của chúng ta về cấu thành của nền kinh tế thế giới vào năm 2030.
Tôi không giả vờ biết tất cả các câu trả lời. Tuy nhiên, với lợi thế làm việc tại Fed, tôi có may mắn được tiếp cận thông tin tốt nhất về hàng loạt chủ đề. Tôi được tiếp cận rộng rãi các tài liệu học thuật nhằm giải quyết nhiều vấn đề mà các đồng nghiệp tại Fed và tôi phải xử lý hằng ngày. Nếu không làm việc tại Fed, tôi sẽ không bao giờ được tiếp cận với hàng đống công trình nghiên cứu học thuật, một số thật sắc sảo, còn số khác lại nông cạn.
Tôi có may mắn có thể gọi một hay nhiều chuyên gia kinh tế tại Fed để hỏi về công trình nghiên cứu về lịch sử cũng như đương đại. Không lâu sau, tôi sẽ nhận được đánh giá chi tiết về ưu và nhược điểm của hầu như tất cả các chủ đề, từ các mô hình toán học mới nhất được xây dựng để đánh giá quá trình giảm thiểu rủi ro, đến sự nổi lên và tác động của việc các trường đại học được cấp đất tại vùng Trung Tây nước Mỹ. Do đó, tôi không bị hạn chế trong việc tiếp cận những giả thuyết có ảnh hưởng tương đối sâu rộng.
Một số lực lượng toàn cầu, đôi khi gần như bí mật, dần dần thay đổi thế giới như chúng ta biết. Hiện tượng dễ nhận ra nhất đối với hầu hết chúng ta chính là sự chuyển đổi cuộc sống của chúng ta ngày càng sâu sắc bởi điện thoại di động, máy tính cá nhân, e-mail, điện thoại thông minh BlackBerries và internet. Sự khám phá ra thuộc tính điện tử của vật liệu bán dẫn sau Thế chiến thứ hai mở ra quá trình phát triển các thiết bị vi xử lý, và khi cáp quang kết hợp với tia laser và vệ tinh viễn thông tạo ra cuộc cách mạng thông tin, thì người dân từ Pekin, tiểu bang Illinois, đến Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận thấy cuộc sống của họ đột nhiên thay đổi. Phần lớn dân số thế giới đã tiếp cận công nghệ mà khi bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1948, tôi đã không thể hình dung được, trừ trong những tài liệu khoa học viễn tưởng. Những công nghệ mới này không chỉ mở ra một viễn cảnh chưa từng có về liên lạc chi phí thấp, mà còn thúc đẩy những tiến bộ cơ bản trong lĩnh vực tài chính, giúp nâng cao đáng kể năng lực của chúng ta trong việc chuyển các khoản tiết kiệm khan hiếm vào những dự án đầu tư vốn hiệu quả, một nhân tố quan trọng thúc đẩy thịnh vượng và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Các hàng rào thuế quan đã giảm xuống trong những năm sau Thế chiến thứ hai. Đó là kết quả của nhận thức chung rằng chủ nghĩa bảo hộ trước chiến tranh đã dẫn đến sự sụt giảm thương mại – đi ngược lại quá trình phân công lao động quốc tế, do vậy đã gây ra sự sụp đổ gần như hoàn toàn của các hoạt động kinh tế thế giới. Quá trình tự do hóa thương mại sau chiến tranh đã giúp mở ra các nguồn cung giá rẻ mới. Cùng với sự phát triển của các thể chế tài chính và sản phẩm mới (được sản xuất do công nghệ bán dẫn), quá trình này thúc đẩy thế giới theo hướng chủ nghĩa tư bản thị trường toàn cầu, thậm chí ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong một phần tư thế kỷ sau đó, sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do đã giúp kiềm chế lạm phát và lãi suất ở mức một con số trên phạm vi toàn cầu.